Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

ĐÊM NGHE SAIGON KHÓC 18/08/2021

 ĐÊM NGHE SAIGON KHÓC 18/08/2021

Cũng giống như những cuộc gọi khác, Ba tôi vẫn mở đầu bằng câu hỏi “Con có ổn không?!”. Mặc dù ngày nào Ba cũng gọi cho tôi để chắc chắn rằng tôi vẫn ổn trong tâm dịch. Ba tôi lo thế thôi chứ ở trong tâm dịch nhưng tôi lại công tác tại viện nên không cực khổ như đồng nghiệp của tôi. Nhưng có lẽ sự lo lắng của các bậc làm cha làm mẹ thì chắc hết đời tôi cũng chẳng thể hiểu hết được.
Hôm nay thì khác, sau câu hỏi đó và nghe tôi trả lời mọi chuyện vẫn ổn, Ba thông báo cho tôi rằng cơ quan của Ba đang tạm thời phong toả vì có F0. Sau câu kể, Ba lại quay ra an ủi tôi vì sợ tôi hay lo lắng rằng “Ba không sao đâu, ổn hết thôi, con đừng lo lắng quá, ráng giữ sức nhé!”. Tôi còn chưa kịp nói câu nào để hỏi thăm! Và tôi thầm hiểu, Ba đang rất lo lắng, tôi cũng động viên Ba bằng những cách có thể. Tôi và Ba là đồng nghiệp, cả hai đều hiểu những nguy cơ có thể xảy đến khi làm việc trong môi trường y khoa là như thế nào. Có vẻ như vậy mà cả hai Ba con đều đồng cảm với nhau.
Đại dịch diễn ra, năm nay tôi không về nhà ăn Tết, cả nhà họp nhau thì chỉ có hai cậu cháu tôi ngồi mâm trên “facetime” để đón giao thừa. Những điều tưởng chừng như chỉ xảy ra trong phim ảnh, thì bây giờ chính tôi được trải nghiệm. Ba tôi thường hay lo cho sức khoẻ của tôi nhất, vì cái bệnh gì tôi cũng kinh qua (đừng ai nói làm ngành y thì không bị ốm nhé, sấp mặt luôn á!). Nên việc ở lại Saigon quá lâu như lần này có vẻ chưa ai có thể quen cả. Không biết bao giờ, tôi lại được ăn sập cái quê nhà của tôi.
Ngày hôm nay, có lẽ là cái ngày mệt mỏi đỉnh điểm của tôi sau những ngày cố gắng phải làm cho mình thật sự mạnh mẽ nhất có thể. Trước những câu chuyện của đồng nghiệp, phải làm việc trong sự thiếu thốn thế nào. Trước những câu chuyện của những người bệnh mạn tính đang vạ vật vừa không có tiền vừa không có thuốc nhiều tháng qua phải chịu đau đớn thế nào. Trước những tin nhắn “cả nhà anh/chị/em nhiễm rồi” và những câu hỏi “phải làm sao?!”. Tôi phản ứng lại nhẹ nhàng nhất có thể, để san sẻ bớt cái lo lắng cho mọi người. Nhìn hàng người bệnh nằm dưới mưa, hàng quan tài đợi tiễn đưa không người thân thuộc, hàng dài những người tha hương kẹt cứng ở Saigon mà không thể về được quê hương…
Đại dịch làm chúng ta bỏ quên những người bệnh khác, những người cũng cần chạy chữa từng phút từng giây, những người không kiểm soát được trạng thái bình ổn cho cơ thể nếu không có thuốc. Những tiếng thở than từ người bệnh làm cho lòng tôi lúc nào cũng nôn nao, chỉ mong những chuyên ngành đặc biệt phải có cách để giúp họ không còn đau nữa. Nếu không, ngoài COVID, chúng ta sẽ phải thấy cảnh người bệnh nguy hiểm khác phải ra đi dần dần trong đau đớn.
Dĩ nhiên chính tôi biết rằng, việc lạc quan sẽ giúp cho tâm trạng tốt hơn và có sức mà làm việc. Nhưng trước những tình cảnh thực sự khốn cùng như vậy, nếu lạc quan thì tôi đang tự đánh lừa chính mình và bị ảo tưởng nhiều hơn thôi. Và lại thấy mình vô dụng trong hoàn cảnh này quá sức. Anh em đồng đội ngoài kia, chỉ mong họ có đủ sức và đủ vững tâm mà vượt qua.
Cũng là lần đầu tiên, tôi lấy tư cách cá nhân để kêu gọi đóng góp cho một việc gì đó. Thật mừng vì mọi người đón nhận và tin tưởng tôi. Tôi không biết nói gì cho hết tâm trạng xúc động này, tôi xin cúi đầu cảm ơn tất cả. Cảm ơn vì Saigon chưa bao giờ bỏ rơi ai bao giờ.
Hai chữ “bình thường” của ngày nào, giờ lại trở nên quý giá hơn cả báu vật. Tôi không biết khi nào những chuyện thương tâm này dừng lại, cũng chưa biết mình sẽ làm được đến đâu và làm được những gì. Nhưng dù trong tâm tôi có gục ngã hay thất vọng, chỉ xin Chúa - Đấng mà tôi tin tưởng phó thác giúp sức để tôi và đồng nghiệp của tôi mạnh mẽ vượt qua tất cả.
Đối với tôi, chẳng có lương y nào như từ mẫu cả, người làm ngành y, suy cho cùng thì vẫn chỉ cố gắng hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của nghề nghiệp mình lựa chọn mà thôi. Không cao cả, không anh hùng, không phải như những gì báo chí tán tụng. Tôi rất sợ những lời đẹp đẽ đó. Người với người, chỉ cần yêu thương nhau là đủ rồi, đừng cấu xé lỗi lầm của nhau là được.
Có lẽ, ngày bình thường, là ngày mai của ngày mai, hoặc là ngày mai của ngày sau nữa. Có lẽ là một sự bình thường khác, bình thường vắng bóng của những người từng quen thuộc, của những con đường thưa thớt xe hơn, của những cuộc đời khốn khổ hơn, của những người đi qua hết những đau thương chẳng ai thấu được.
Còn đối với tôi, ngày bình thường sẽ là ngày được thở than nơi ngọn đồi thông sau nhà, được ăn những món ngon ở nhà, được nhìn mặt nhau mà không có lớp khẩu trang dày cộm khó thở này nữa. Ngày bình thường, được lái xe qua những con đường đông đúc, được chở nhau đi ăn, được đi những nơi chưa đến và được thôi suy nghĩ về những chuyện đau lòng này.
Vậy nhé, hẹn một ngày bình thường… Nguyễn Hoàng Chí Nhân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét