Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

HỒI KÝ THỜI THƠ ẤU GIAN KHỔ

 


HỒI KÝ THỜI THƠ ẤU GIAN KHỔ

Từ một chuyến tham gia hoạt động từ thiện cùng với một số bạn hữu và  học trò cũ,  do chút duyên lành, tôi gặp và quen biết Hồng  Phúc, tức Bác sĩ Nguyễn Tới, công tác ở Bệnh viện Buôn Hồ. Bài thơ đầu tiên Hồng Phúc gửi tặng tôi  trên tin nhắn qua điện thoại  được tôi giới thiệu trên một trang mạng mà tôi là admin. Về sau tôi mời  Hồng Phúc tham gia như  một tác giả thơ thân thiết  trên những trang web mà tôi tham gia và phụ trách như   Ban Mai Hồng hiện giờ.

Qua người anh trai của Hồng Phúc là phụ huynh học sinh của tôi, tôi  được biết đôi điều về thời thơ ấu gian khó của người BS – nhà thơ – người  em văn  nghệ hiền hòa,  được nhiều người biết đến với những hoạt động từ thiện ngay trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình với bệnh nhân và rộng hơn là  trợ giúp cho người khốn khó trong xã hội với sự trợ giúp của các Mạnh Thường Quân.

Hân hạnh giới thiệu với các Bạn các Anh Chị Em  Hồi Ký Thời Thơ Ấu Gian Khổ của Tác giả Hồng Phúc
.

Huỳnh Huệ



Hồi ức là những dấu ấn để lại trong cuộc đời mỗi con người. Đó có thể là nỗi buồn, niềm vui, là đắng cay cơ cực…, có kẻ muốn trốn tránh quá khứ bằng những hư danh thoáng qua của kiếp phù du cõi nhân tình nhưng có người khi đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp công danh lại lưu giữ, nâng niu bằng sự yêu thương, trân trọng và tự hào về năm tháng đã qua. Phải chăng đó là tố chất đầy nhân văn của bác sĩ Nguyễn Tới- nhà thơ Hồng Phúc. Hình như cả cuộc đời anh đều dành trọn tình yêu thương cho người, cho gia đình trong cuộc mưu sinh và đặc biệt cho người mẹ kính yêu của anh.Đọc những dòng hồi kí rất thật này, tôi mới nghiệm ra rằng: Cuộc đời cũng đáng yêu đấy chứ! Cho dù ở đâu đó vẫn còn những giả dối, lừa lọc nhau, ở đâu đó còn có những người mẹ vô tâm tàn nhẫn dứt bỏ sinh linh bé nhỏ của mình. Thì ở nơi đây trên trang giấy này, có một người con, người em hiếu thảo, một người mẹ trên cả tuyệt vời với tình yêu con vô bờ…Thật hạnh phúc cho những ai khi còn có mẹ.
Buôn Hồ, Hạ 2014 Bình Nguyên
THỜI THƠ ẤU GIAN KHỔ
Một thời gian khổ ấu thơ
Quê cha đất mẹ, nghèo xơ xác nghèo
Chiến tranh đói rách cheo leo
Nhiều khi mạng sống như treo trên cành.
Giờ đây được sống yên lành
Tình yêu cha mẹ nào đành dám quên
Thành tâm cảm tạ ơn trên
Ban cho cuộc sống vững bền tương lai.

NHỮNG THÁNG NGÀY Ở QUÊ HƯƠNG
Anh em chúng tôi sinh ra trong miền quê nghèo tại xóm Hóc Mua, thôn Phú Long, xã Bình Lãnh, huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi.Xóm Hóc Mua là một xóm nghèo, nơi đây đất cát trắng mọc rất nhiều cây mua lông, có lẽ vì vậy mà có địa danh là xóm Hốc Mua. Nơi tôi ở thiên nhiên rất thơ mộng, có dòng suối nhỏ uốn khúc chạy quanh đồi. Địa hình ở Bình Sơn toàn là núi , bao quanh là những dòng sông nhỏ đổ về biển Dung Quất. Nơi đây có một cảng nước sâu rất thuận lợi cho tàu bè qua lại , nếu phát triển thành cảng biển rất thuận lợi. Bình Sơn có núi Phổ Tinh rất linh thiêng, tích xưa để lại thời Tây phải “ treo bồ” để yếm khỏi bị hại nhưng họ thất bại. Trên hòn núi Nam Châm có con ngựa vàng đêm đêm chạy rảo sáng ngời. Phong cảnh quê tôi trông là thế nhưng đất ở đây thì sỏi đá khô cằn. Người ta thường nói nơi đây là vùng “ chó ăn đá, gà ăn muối”…Con người ở đây sống khắc khổ, vất vả , họ phải lao động cực nhọc mới kiếm được miếng cơm manh áo. Gia đình tôi cũng không ngoài cảnh ấy, quanh năm suốt tháng mẹ tôi tảo tần , cày cấy, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời , tuôn giọt mồ hôi, chắt chiu từng hạt gạo, miếng cơm để nuôi anh em tôi…
NGÀY TÔI CHÀO ĐỜI VÀ CHUỖI NGÀY THƠ BÉ
Mẹ kể lại rằng vào một đêm trăng tròn, tháng giêng, năm Nhâm Dần tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Ba mẹ và các anh tôi tất vui khi có thêm một người em bé nhỏ. Mẹ tôi rất hạnh phúc khi có tôi, một thời gian ngắn sau đó, quê hương tôi nào có yên bình. Những năm chiến tranh mẹ tôi rất khổ cực, thậm chí có lúc suýt phải hy sinh cả mạng sống của mình vì các con.Ngày ấy ba tôi phải đi xa, tìm kế sinh nhai lo cho gia đình. Anh cả vào quân đội vì quê hương chinh chiến, hai anh Bốn và Năm phải vào Cô Nhi Viện tỉnh Quảng Ngãi, để được học hành và nhờ vào bàn tay nhân từ của quý Cha, quý soeur giúp đỡ, giáo dục. Các ngài đã dành cho hai anh tôi nhiều ưu ái, được rèn luyện trong môi trường đạo đức tốt, hai anh tôi nhờ đó có một hành trang vững chắc bước vào đời…Mẹ kể lại năm ấy tôi còn bé nhỏ chừng hai tuổi, suy dinh dưỡng, bụng to, chân tay teo đét, suốt ngày chỉ biết khóc đòi ăn, lúc nào cũng giữ lấy nồi cơm, có nhiều hôm mẹ hết gạo, không biết lấy gì để nấu cho tôi ăn , mẹ nước mắt tuôn trào, đành trốn chỗ khác để tôi khỏi đòi và tìm cách chạy gạo để có cơm cho tôi. Có một ngày giặc đến, mọi người đều hoảng sợ nhưng tôi nào có biết gì vẫn vô tư ngồi giữ lấy nồi cơm, họ thấy vậy cười rồi bỏ đi…Năm 1964 , quê tôi loạn lạc, chiến tranh tàn khốc, người dân ở quê tôi ai cũng chạy loạn. Mẹ và các anh tôi cũng cuốn theo dòng người vội vã ra đi, bỏ lại mình tôi nơi mái nhà thân yêu. Tôi nào có biết chi vẫn ngồi chơi trước cửa nhà. Trong một lúc hoàn hồn, anh cả chợt nhớ nhìn qua mẹ hỏi em đâu mới biết quên tôi ở nhà. Mẹ tôi hốt hoảng kêu than…, anh cả vội vã chạy thật nhanh trên quãng đường khá xa, về đến nhà, vẫn thấy ngồi trước cửa, anh vội vàng đưa tôi đi. Ngày ấy tôi xa quê hương và bước vào một cuộc trường chinh, để được sinh tồn. Tình thương của anh cả đã dành cho tôi biết là dường nào, những năm tháng ở quân đội, anh đã chắt chiu, hi sinh tất cả để lo cho anh bốn, anh năm, tôi và gia đình.
NHỮNG THÁNG NGÀY SỐNG THA PHƯƠNG Ở QUẢNG NGÃI
Sau cuộc chạy loạn năm 1964, mẹ tôi lên Trung Hậu mua lại nhà của cậu tôi là Nguyễn Thanh Cao với giá hữu nghị ít ỏi. Ở đây vườn rộng, có đầy đủ mọi cây ăn trái, ruộng lúa nhiều hơn ở quê nhưng cũng chẳng bao lâu sau lại phải ra đi vì chiến tranh ngày một ác liệt. Mẹ đưa tôi và em Thanh về trại định cư Phú Hòa, gần dòng sông Trà Khúc, những ngày tháng sống ở đây rất cơ cực hầu như lúc nào cũng hồi hộp, lo lắng vì những báo động của thời loạn. Nhiều lần trại định cư bị đốt cháy, mẹ tôi chỉ kéo được hai anh em tôi và kèm theo một chiếc giỏ trong đó có quyển sách thuốc của ba tôi , còn lại tất cả đều cháy hết. Lửa đạn bắn tơi bời, có lần mẹ tôi phải dùng cả thân mình để che chở cho hai anh em tôi được sống, ngày ấy mẹ nghĩ nếu trúng đạn, mẹ sẽ chết để cho hai anh em tôi được sống. Tình mẹ thật bao la, cao cả…Ở Phú Hòa gia đình tôi đã được cha Quản xứ Phao Lô Huỳnh Ngọc Cảnh giúp đỡ rất nhiều. Ở đây, ngài thường xuống thăm nhà, vào bếp các gia đình xem có gì ăn không? Ai thiếu gì cần thiết là ngài gọi lên nhà xứ và cho riêng. Khi mọi người chạy loạn, ngài là người đi sau hết. Khi tình hình bình thường trở lại, ngài về quyên góp giúp đỡ cho mọi gia đình . Hình ảnh cha Quản xứ- một đấng chăn chiên vẫn đọng mãi trong tâm trí chúng tôi.Tôi còn nhớ ở Phú Hòa tôi hay gặp người anh cả con của cô tôi. Anh đi quân đội hay ghé thăm nhà , cho tôi và em Thanh nhiều kẹo và đậu hũ, món ăn mà lúc đó tôi rất thích. Thế rồi một hôm mẹ nằm mơ thấy anh về gọi mẹ tôi giữa đêm khuya, mẹ tôi chợt tỉnh, mở cửa nhưng không thấy anh. Sáng hôm sau được tin anh đã mất. Mẹ tôi rất buồn, tôi cũng buồn, nhưng nỗi buồn của trẻ con thì chóng qua. Thời gian sống ở Phú Hòa đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm, mảnh đất với dòng sông Trà Khúc có Cầu Trà Khúc nổi tiếng dài nhất Quàng Ngãi thời bấy giờ, vào một ngày đẹp trời, mẹ tôi quyết định đưa tôi trở về Bình Hiệp sống. Tôi xa Phú Hòa từ đó.
THÁNG NGÀY Ở BÌNH HIỆP
Về Bình Hiệp, mẹ tôi và em tôi ở lại Phú Hòa còn tôi ở nhà người bác họ. Ở đây tôi được anh chị cả chăm sóc rất chu đáo, cuộc sống ở đây có phần nào bình yên, về đây độ vài hôm, bố tôi đưa tôi và anh Bốn ra thị trấn Châu Ổ để học nhưng không đủ điều kiện nên tôi phải về ở với anh chị tại Bình Hiệp. Ở đây tôi phải xa mẹ lúc chưa tròn sáu tuổi, nhiều đêm nằm mơ thấy mẹ về, cầm chiếc đèn dầu vuốt ve tôi, mừng quá tôi chợt tỉnh gọi mẹ ơi, nào ngờ mình mơ, tôi lại khóc và nhớ mẹ…Cuối năm 67, mẹ tôi đưa em tôi về Bình Hiệp sum họp và nương nhờ người bác họ.Ở đây những tháng ngày thơ ấu, tôi được tiếp xúc với ruộng đồng, theo anh tôi đi câu cá, lên đồi hái sim và chà là. Những buổi trưa hè oi bức ở miền trung, tôi đâu có chịu ngủ trưa, trốn mẹ đi dạo quanh đồng, để rình bắt ve ve, bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi, nhưng đâu có bơi được vì đó chỉ là trò mấy anh lớn đùa thôi.Gần nhà tôi ở có một cụ già chuyên hút thuốc lá bằng lá chầm chày. Tôi đi hái về đưa cho ông, được ông cho kẹo tôi rất thích, nhớ có lần anh tôi dẫn đi câu cá ở ao ông Đài, ao này ở xóm không ai dám câu vì cảnh sát và lính bắt những người đi buôn “ bảo họ tiếp tế cho CS ” nên đổ hết xuống ao toàn là mắm cà. Anh tôi câu chỉ một lúc được một xâu đầy cá rô đồng vàng ươm, đem về nướng và kho một xanh đồng thật là ngon. Đêm ấy có trận đánh, mọi người lo xuống hầm tránh đạn, chú chó ăn hết một cách ngon lành. Cuộc sống ở Bình Hiệp tuy khổ nhưng cũng thú vị.Trường học của tôi ngay đường quốc lộ I, hằng ngày đến trường học, cùng vui chơi, nô đùa với bạn bè dưới những hàng dương. Giờ ra chơi bắn bi bằng trái mù u rất thú, tôi vẫn vô tư sống những ngày ở Bình Hiệp thật đẹp cho dẫu quê hương vẫn khói lửa điêu tàn, thiên tai liên tục…Vào một đêm nọ, trời mưa không ngớt, nước ngày một dâng cao. Mẹ bỏ em tôi vào một chiếc trạc gánh và dắt tôi đi lên vùng đồi cao để lánh nạn. Đêm ấy, nước dâng cao, nhà cửa ngập tràn trong biển nước, mọi người ở vùng ngập kêu cứu, người ta phải bắn đèn chiếu sáng, dùng trực thăng để cứu vớt người bị nạn, trâu bò chết ngổn ngang, nhà cửa đồ đạc trôi hết, dân quê tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến một trận lụt lớn của năm 1968( Mậu Thân). Qua trận lụt ấy, tôi phải xa mẹ để ra thi trấn Châu Ổ để học với anh tôi.Ở đây tôi được học ở mái trường khá khang trang, Thầy Cô và quý Soeur đã dành cho tôi những tình cảm ưu ái nhất. Có lẽ đây là thời gian tôi cảm thấy sướng nhất của thời thơ ấu và đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên nơi mái trường. Nhưng ở đây cũng chung một cảnh thời chiến, đêm nào tôi và anh cũng phải chui xuống địa đạo để tránh pháo kích, không khí ở đó rất ẩm và ngột ngạt, tôi không muốn chút nào nhưng ba tôi vẫn bắt anh em tôi ở mãi dưới đó.Tôi còn nhớ một buổi chiều chủ nhật, có hai anh em sinh đôi học cùng lớp tôi lượm được đầu đạn, đập nổ cả hai đều chết, cùng thời điểm đó nạn dịch đen xảy ra, ở đó nhiều người lớn nhỏ đưa đến bệnh viện, đều chết và đưa về nhà… Những hình ảnh này đã ám ảnh tôi một thời gian dài sau đó.Ở trường có một thầy già Phao Lô chuyên phụ trách y tế, tôi hay đến thầy xin thuốc ho vì thấy thuốc ngọt như kẹo ăn rất thích, mỗi tháng trường tổ chức tiêm chủng một lần, những lần ấy tôi rất sợ, nhà trường lúc ấy rất quan tâm đến sức khỏe của học sinh. Về dinh dưỡng, mỗi sáng đến trường xếp hàng uống một ly sữa bột, vào lớp học, đến giờ ra chơi được ăn bánh mì. Ở nhà rất khổ mà được chế độ ăn như vậy quá sướng. Có một điều tôi hay khóc vì thường xuyên nộp học phí trễ mặc dù ba tôi cố gắng kiếm tiền nhưng không kịp thời… thầy cô nhắc nhở, tôi khóc và thúc ba tôi…Thế rồi thời gian sống ở đó không được bao lâu, tôi phải rời bỏ mái trường Phụng Sự trở về lại Bình Hiệp sống với mẹ. Ở đây chiến tranh triền miên, mọi người ở đây phải đấu tranh, vượt qua những khắc nghiệt của thời chiến.
Tôi còn nhớ cạnh nhà tôi, có bà Lan gia đình khá giả hơn trong vùng. Sáng hôm dó, bà đi xuống ruộng ngoài vùng ấp chiến lược, chiều về nghe tin bà đã chết, do bị Đại Hàn bắn, dân làng tôi ai cũng căm phẫn nhưng không nói gì được, thời ấy nếu ai đi khỏi vùng ấp chiến lược đều bị cho là CS và khó bảo toàn tính mạng.Mọi người dân ở đây sống rất đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Trong gian khổ tạo cho con người biết yêu thương và chia sẻ miếng cơm, manh áo cho nhau, chia sẻ niềm đau của nhau. Có lẽ giữa sự sống và cái chết luôn luôn đe dọa con người, con người ta cảm thấy dễ gần nhau hơn.
MỘT BƯỚC NGOẶC MỚI
Cuối năm 1969 ba tôi nhận được tin của cậu tôi tại Buôn Hô, Ban Mê Thuột. Mợ tôi bị bệnh hậu sản ngày càng nặng. Ba tôi có kinh nghiệm về Đông y gia truyền, nhất là trong lĩnh vực phụ nhi, ông quyết định vào thăm cậu và điều trị bệnh cho Mợ tôi. Khi mợ tôi khỏi bệnh, Cậu giữ lại thẻ căn cước và động viên ba tôi ở lại, ba tôi đã đồng ý, cậu mừng quá và gửi thư cho bà già Tình ( hay đi buôn chuyến Ban Mê Thuột- Quảng Ngãi) tin cho mẹ tôi và gia đình quyết định, tạm rời quê hương để vào Buôn Hô, Ban Mê thuột sinh sống. Mẹ tôi phải vất vả lo toan, giải quyết những tồn đọng ở quê để ra đi. Nhớ lại ngày ấy, gia sản nhà tôi chỉ có một con heo nái và bảy heo con chưa đầy một tháng. Mẹ tôi bán được vài chục đồng để lên đường, họ biết nhà tôi nghèo nên mua ép rất rẽ..Chuẩn bị cho ngày lên đường, anh tôi cho mẹ vài bịch gạo sấy, anh Bốn tôi đem rang ngào đường làm lương thực cho một chuyến đi dài. Cả nhà quyết định một ngày cuối tháng 12 năm 1969 tạm biệt quê hương thân yêu, tạm biệt bà con thân tộc và những người thân quen ra đi mà không hẹn ngày trở về. Bao nỗi lo âu, bao nỗi buồn vui cứ vọng mãi trong tâm trí mỗi người chúng tôi.Đêm trước ngày ra đi, bác tôi làm một bữa cơm đạm bạc để tiễn gia đình tôi, mẹ tôi cảm ơn bác đã giúp đỡ cho gia đình trong thời gian ở Bình Hiệp. Bác tôi đỡ lời “ không có gì”, bác cũng buồn khi phải chia tay mẹ con chúng tôi. Bác cho mỗi anh em tôi mỗi người hai mươi đồng tiền mới, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới có khoản tiền như vậy, tôi mừng và cảm ơn bác. Đêm ấy mọi người trong tâm trạng buồn buồn, tủi tủi khi sắp phải chia tay nhau, bữa cơm chia tay ấy cứ đọng mãi trong tâm trí của tôi…Sáng hôm ấy gia đình tôi đi trên một chiếc xe Lambretta 250 ba bánh rời xa Bình Hiệp, xe chuyển bánh xa dần …xa dần cuốn hút mất mái nhà yêu dấu một thời đã cưu mang gia đình tôi, che nắng che mưa , chẳng bao giờ quản công, Xe đi gần một giờ đồng hồ mới tới bến xe Quảng Ngãi. Anh tôi mua vé xe đi Ban Mê thuột, thời bấy giờ ở tỉnh có hai hãng xe lớn Phi Long- Tấn Lực, loại xe Renault chạy tốt nhất. Họ phục vụ rất chu đáo, tận tình. Xe lăn bánh, tôi mải mê nhìn phong cảnh quê hương hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên trong đời tôi được một chuyến đi dài mà thời niên thiếu vẫn thường mơ ước, độ chiều tối xe mới đến Cát Hanh- Phù Cát. Tại đây, quân đội không cho di chuyển nữa. Xe nằm giữa hai đồn lính và quân chư hầu Đại Hàn Dân Quốc, thời tiết ở đây oi bức của cái nóng miền trung. Mọi người đều mệt lả vì đói mà nơi đây không có một quán cơm nào cả. Chủ xe liên hệ với trưởng đồn cho cơm bà con cùng ăn, dù cơm chỉ có muối và cá khô nhưng mọi người ăn rất ngon lành. Màn đêm buông xuống, mọi người đều ngả lưng bên vệ đường, đàn muỗi bay vo ve như khúc nhạc ru mọi người vào giấc ngủ , có lẽ vì quá mệt nên mọi người đã thiếp đi. Bên kia đồn Đại Hàn là xóm dân cư toàn mái nhà lá và đồng ruộng mênh mông. Đêm ấy các chiến sĩ cách mạng bắt loa phóng thanh, kêu gọi: “ Các binh sĩ quốc gia hãy trở về với quân giải phóng”. Quân lính quốc gia thì kêu gọi: “ Các anh em cộng sản, hãy trở về với chính nghĩa quốc gia”.Mọi người trong tâm trạng lo sợ, nếu đêm ấy có trận đánh xảy ra, có lẽ mọi người khó sống sót. Đang trong tâm trạng lo âu, màn đêm lui dần, ánh bình minh ló rạng, một ngày mới bắt đàu, chuyến xe tiếp tục lăn bánh, tôi lại được mở rộng tầm mắt nhìn quê hương đất nước, khoảng gần trưa xe đến thành phố Quy Nhơn, nơi đây nhộn nhịp sầm uất, ở đây tôi được cảm nhận thế nào là cảnh sống của thành phố mà lần đầu tiên tôi được đến. Xe dừng lại nghỉ ngơi và tiếp tục đi đến ngã ba cầu Bà Di, bắt đầu tạm biệt đồng bằng để lên núi. Xe đi chậm chạp qua những đoạn đường quanh co, mọi người ngồi trên xe lắc lư khi xe chạy qua những đoạn đường uốn cong. Tôi rất thích cảnh rừng núi phẳng lặng, một màu xanh của rừng, thỉnh thoảng có vài chú chim hót, tiếng vượn hú mới lành lạnh làm sao. Đêm đó xe đến Thi xã Pleiku dừng nghỉ ở đây. Tại đây tôi được ăn bữa cơm gà thật ngon, có lẽ chưa bao giờ có bũa ăn nào ngon đến vậy, Màn đêm lại buông xuống, mọi người tìm chỗ để yên giấc, dưỡng sức, sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình trên cao nguyên gió lạnh. Gần hai ngày đêm khiến mọi người thấm mệt. Đêm ấy trên cao nguyên trời se lạnh, từng hạt sương đêm nhỏ xuống tê buốt cả người. Đem cao nguyên vắng lạnh, mọi người ngủ một giấc ngon lành.Bình minh vừa ló rạng, ánh mặt trời chiếu xuyên qua từng khe lá bên những giot sương đêm óng ánh còn đọng lại. một vẻ đẹp thật tinh khôi. Ngày mới lại bắt đầu, mọi người thu xếp hành lý và tiếp tục cuộc hành trình về Ban Mê Thuột.xe đi chừng 12 kilomet là đến Hàm Rồng, đường đèo dốc rất cao, xe bò từ từ lên rất vất vả mới qua hết đoạn đèo. Dọc đường còn hoang sơ không có một mái nhà, chỉ toàn là rừng xanh bạt ngàn. Trong không gian tĩnh mịch ấy, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng chim kêu, tiếng vượn hú gọi đàn…Xe chuyển bánh mãi đến chiều mới tới Buôn Hô. Nơi đây trông còn hoang sơ, dọc đường quốc lộ chỉ có lác đác vài ngôi nhà. Xe dừng trước cổng Nhà Thờ Buôn Hô, mọị người ai cũng mệt lả nhưng vui mừng vì đã đến nơi an toàn.Anh tôi vào nhà thờ hỏi thăm, được cha Quản xứ Phạm Minh Đức tiếp đón nồng hậu, gần 5 giờ chiều cậu tôi mới về nhà, chị em, cậu cháu gặp nhau tay bắt mặt mừng. Mợ tôi và hai em bé nhỏ Thu Hà hai tuổi, Phi Long hơn bốn tháng tuổi còn đang khóc e..e, cậu mợ sắp xếp cho gia đình nghỉ lại trong nhà xứ. Cuộc hội ngộ bao nhiêu năm xa cách mọi người tâm sự với nhau thật khuya, còn tôi mệt quá thiếp đi. Đêm đó là đêm tôi và gia đình ngủ một giấc ngon lành sau một chuyến đi dài. Ngày mai bắt đầu cuộc sống trên quê hương mới.
NHỮNG NGÀY MỚI Ở QUÊ HƯƠNG BUÔN HÔ- BAN MÊ THUỘT
Những ngày đầu chập chững ở đất mới, được sự giúp đỡ của gia đình cậu và bố Đức, gia đình tôi tạm đủ sống trong thời gian đầu lập nghiệp. Khoảng một tháng sau, ba mẹ tôi thuê được một căn nhà ván nhỏ, đối diện phía trước nhà thờ để ở. Ba tôi vào rừng lấy củi để bán, mẹ tôi và tôi vào rẫy mót khoai lang, đậu. Đất đai ở đây rất màu mỡ, khoai lang củ rất to. Tôi và mẹ chỉ mót nửa buổi đã được nửa bao 50kg, nếu ở quê tôi làm gì được như vậy, phải cày sâu cuốc bẩm cho nhiều phân bón mà chỉ được củ nhỏ thôi. Tôi và mẹ rất vui sướng…, những ngày tiếp theo đưa mẹ qua vùng xa hơn bên Rừng Dút. Lần đầu tiên mới gặp một cái cầu bắt qua suối, nước chảy rất mạnh, tôi phải bò từ từ qua được an toàn mới trở lại dìu mẹ qua bên kia suối( người ta gọi là cầu Ba Thương). Hôm ấy tôi và mẹ mót được nhiều đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen. Được nhiều là nhờ người ta bỏ những chỗ có nhiều gai mắc cỡ cho mẹ con tôi hái, đến chiều được gần 5 kg. Hai mẹ con rất mừng mang về đến nhà trời cũng vừa tối. Những ngày đầu êm ả trên quê hương mới thật là sướng và hạnh phúc. Hơn nữa ở đây không có tiếng súng. Buôn Hồ thời gian này còn thưa thớt, gần cạnh nhà tôi là nhà của anh em Đồng Bào Thiểu Số, họ rất thương và giúp đỡ gia đình tôi, trong xóm chỉ có hai cái giếng nước, hằng ngày phải đi xin rất vất vả.Đối diện ở nhà ở bên kia đường Quốc Lộ 14 là nhà bác Phạm Hùng Thông, bác thấy gia đình tôi mới đến còn khó khăn nên bác tận tâm giúp đỡ, cho nước uống, cho đất để trồng trọt. ba tôi, anh bốn, anh năm đào hố cà phê cho nhà bác, còn phần đất còn lại bác cho nhà tôi gieo trồng. Vườn của bác rộng ba héc ta, đầy đủ cây ăn trái, bác thường căn dặn tôi cháu đừng hái những trái non hư uổng, trái chín cháu thích ăn cứ hái mà ăn, bác cho tự do nhưng nhớ giữ cho bác, đừng phá là được. Tôi thấy mình được ưu ái quá.Cuộc sống đã tạm yên, mẹ tôi hàng ngày làm các loại bánh: bánh chưng, bánh ú, bánh ít, bánh tét, đêm thức rất khuya, sáng phải dậy sớm để đi bán, trong những thời gian không đến trường, anh em tôi giúp mẹ đi bán hàng. Mùa nào có đậu bán đậu, mùa nào có trái cây gì bán loại đó. Sáng sớm tôi giúp mẹ đến chợ Phú Cường mua hàng, trải miếng vải mưa xuống nền đất, phân từng khúm cà, măng tre, ớt… bán lại cho đồng bào thiểu số, Nửa buổi tôi mua và đội về cho mẹ một thúng cám đầy để nuôi heo, thời gian còn lại đến hãng kem lấy sĩ mang đi bán. Tôi còn rất bé mang thùng kem gần đụng mắt cá nhưng tôi rất chăm, chân không có dép rảo khắp nẻo đường buôn làng để bán, có gạo đổi gạo, có vỏ chai đổi vỏ chai đem về bán lại.Mùa đông ở đây rất lạnh, đồng bào Ê đê thường đốt những đống trấu để sưởi ở dọc đường. Họ bỏ những hạt bắp nổ và lượm ăn tại chỗ trông thật hay hay. Trời rất lạnh, thở ra hơi giống như người ta hút thuốc lào phà khói nhưng các chú bé miền sơn cước vẫn khóc đòi bố mẹ mua cà rem, nhờ vậy mà hôm nào tôi bán cũng hết một thùng, trở về nhà với nét mặt rạng rỡ. Cuộc sống vẫn đều đặn, ngày lại ngày “ Đất cũ đãi người mới” gia đình tôi tạm đủ sống. Mẹ tôi cất hai thùng phi khoai lang khô để dành nhưng sau đó chẳng đụng tới vì gạo ăn không hết, cảnh túng thiếu gạo khoai ở quê không còn, cả nhà cảm thấy sướng nhiều…Nhờ sự chăm làm của ba và các anh tôi lo công việc đồng áng, tôi và em Thanh nhỏ làm phụ mẹ công việc nhà. Nhớ dạo ấy mẹ tôi giúp việc cho người cạnh nhà, bà cho mẹ tôi một con heo con tây trắng nhỏ, dài nhất trong đàn heo của bà đem về nuôi. Anh tôi nhốt nó trong một cái chuồng sơ sài , các anh cho nó ăn hoài. Đêm tối hôm đó nó nhảy khỏi chuồng đi mất, mẹ tôi buồn và khóc, anh em tôi phải tìm nó suốt một ngày mới thấy, đem về bỏ vào thùng phi nhốt. Đêm ấy tôi sốt cao vì bị nhiễm nắng, cả nhà lo lắng, Ba tôi cho uống thuốc và tôi đã khỏe dần.. Con heo ấy ngày càng ăn nhiều, mau lớn và không lâu sau đó nó đã cho mẹ tôi một bầy heo con thật xinh. Mẹ tôi có vốn từ đó…, cũng từ đó nó cho mẹ tôi nhiều đàn heo con khác, Mẹ nuôi nhân lên ba, bốn con heo nái và vài heo con. Anh em tôi phải vất vả cắt rau cỏ, đọt chuối, rau lang rừng về cho nó ăn. Đến năm 1971, anh tôi đi Quân Y, năm 1972 cưới vợ, gia đình còn nghèo, không có tiền để lo đám cưới cho anh Bốn. Mẹ định mượn người bác họ, ông bà đã hứa cho mượn nhưng đến gần ngày cưới ông bà tin cho biết không có. Mẹ tôi đành đoạn bán con heo đang mang một bụng con chỉ còn một vài ngày nữa đẻ. Mẹ tôi buồn lắm, bà thương nó rất nhiều, vì nó đã giúp bà gầy dựng phần lớn sự nghiệp. Ngày người ta bắt nó đi trên một chiếc xe lambro 250cc về Hà Lan, mẹ tôi trốn không ở nhà vì lưu luyến nó. Anh em chúng tôi thấy thương mẹ quá chừng, chúng tôi an ủi bà, bà nói với người mua nó, sau khi đã phải để cho bà một cặp để nuôi làm giống, cuộc sống cứ bình yên. Năm 1972, Mùa Hè Đỏ Lửa , hai bên đánh nhau ác liệt. Ở chỗ tôi CM bao vây bốn phía, hai bên đánh nhau tơi bời.Trước nhà tôi dạo đó là một cái chợ, họ bán toàn là mít non, muối, bột ngọt, dầu. Hầu như tôi vẫn được thưởng thức món canh mít liên tục . Cuộc chiến kéo dài đến ngày ký hiệp định Pari và đến tháng 3 năm 1975, đất nước được giải phóng. Tôi tạm chấm dứt nghề bán kem, mua bán các hàng khác của mình.. Dẫu sao một thời thơ ấu gian khổ, nhưng nó đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm, nhiều kinh nghiệm sống trong cuộc đời. Dù có gian khổ nhưng cứ bền chí thì sẽ thành công . Kí ức tuổi thơ vẫn trở về trong tâm trí tôi, giờ đây cuộc sống đã có phần đổi thay, con cái tôi có cuộc sống sướng hơn tôi nhưng chúng đâu biết rằng ba của chúng ngày xưa là một cậu bé bán kem, nhà rất nghèo… mà giờ đây trở thành một Bác sí y khoa. Cả tôi nữa , tôi cũng không nghĩ rằng mình được diễm phúc như ngày hôm nay. Tôi nhủ thầm cảm ơn Thượng Đế, cảm ơn ba mẹ và các anh chị tôi, cảm ơn mọi người thân, cảm ơn thầy cô đã dạy tôi nên người, cảm ơn cuộc đời đã mỉm cười với tôi. Tôi ước mơ sao trong xã hội mọi người cũng gặp may, cũng chịu khó vươn lên. Mong sao xã hội ngày càng tốt đẹp, người người hạnh phúc.

21h 29.09.2003 Hồng Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét